Giám đốc Công ty Luật TNHH Devinci Pacific, ông Nguyễn Đức Hiếu đã bình luận về vấn đề ghi âm diễn biến phiên tòa, được đăng trên Báo điện tử pháp luật TPHCM. Ông là chuyên gia uy tín lâu năm với trình độ cao trong lĩnh vực pháp lý. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn lại toàn bộ bài báo.
Nguồn: Luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM. Báo điện tử Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh (số đăng ngày 05/3/2024). Chỉ những người tham gia tố tụng được ghi âm tại phiên tòa.
———————————————————————-
Quyền về hình ảnh của công dân là một trong những quyền vô cùng quan trọng. Quyền này được ghi nhận tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013 và Điều 32 BLDS 2015. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân cần được sự đồng ý của họ, ngoại trừ các trường hợp được pháp luật cho phép.
Cho ghi âm toàn bộ nội dung phiên tòa
Khi một cá nhân tham gia vào công việc của xã hội thì có thể họ sẽ phải chấp nhận để cho người khác sử dụng hình ảnh của mình.
Chẳng hạn, người dân có thể sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để thực hiện quyền giám sát đối với lực lượng CSGT đang làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, việc giám sát này phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của lực lượng CSGT, phải tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan… Người giám sát cũng không được nhân danh giám sát mà sử dụng hình ảnh cá nhân của những người thực thi công vụ vào mục đích khác.
Trong công tác xét xử, quyền tuyệt đối của HĐXX về hình ảnh cũng bị hạn chế khi họ xét xử các phiên tòa công khai, có báo chí tham dự và đưa tin trên công luận.
Nếu đứng trước nhu cầu giúp người tham gia tố tụng (bị cáo, bị hại, đương sự, luật sư…) có đầy đủ thông tin diễn biến vụ xử, để họ có tư liệu cho việc tiếp tục bảo vệ quyền lợi của mình hay nhằm phục vụ cho việc khiếu nại về sau (khi cho rằng phiên tòa diễn ra không khách quan, ý kiến của họ chưa được ghi nhận hết) thì việc luật hóa cho phép họ sử dụng trang thiết bị để ghi nhận lại quá trình xét xử là phù hợp.
Tuy nhiên, theo tôi, chỉ nên cho ghi âm toàn bộ nội dung phiên tòa. Người ghi âm có trách nhiệm thông báo trước cho HĐXX biết là họ sẽ ghi âm để nắm bắt toàn bộ nội dung phiên tòa. Chỉ những người tham gia tố tụng được thực hiện; người tham dự phiên tòa không được phép thực hiện việc ghi âm, vì họ không liên quan đến việc giải quyết vụ án.
Bảo vệ tôn nghiêm pháp đình và quyền riêng tư
Việc ghi hình phiên tòa sẽ làm ảnh hưởng đến trật tự phiên tòa, tạo ra các tình huống có thể làm HĐXX mất tập trung. Hơn nữa, với khoa học hiện đại ngày nay thì việc sử dụng hình ảnh cũng rất tế nhị. Nhiều đối tượng xấu sẽ tạo ra sự cắt ghép về hình ảnh để thực hiện các ý đồ xấu nhằm bêu riếu HĐXX. Trong khi đó, các thành viên HĐXX cũng là một cá nhân, cần được tôn trọng về hình ảnh.
Tất nhiên, sẽ có nhiều người cho rằng ai ghi hình và sử dụng mục đích sai thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Thế nhưng có một thực tế mà chúng ta nhìn thấy rằng có những hậu quả xảy ra, dù chúng ta có cố gắng khắc phục vẫn chưa chắc khắc phục được.
Pháp đình cần sự tôn nghiêm nên để hài hòa được giữa các lợi ích, chúng ta nên lựa chọn những phương thức phù hợp nhất, tránh tạo nguy cơ gây tổn hại nhất.
Theo tôi, nếu người tham gia tố tụng muốn lưu lại diễn biến phiên tòa, phiên họp làm bằng chứng thì việc ghi âm vẫn đảm bảo được toàn bộ nội dung đã diễn ra. Nếu đồng ý với đề nghị của người tham gia tố tụng về việc ghi âm phiên xử thì tòa có thể giải quyết như sau: Khi làm thủ tục chuẩn bị khai mạc phiên tòa hoặc trong quá trình xét xử, người có nhu cầu ghi âm diễn biến có quyền nêu đề nghị cho thư ký.
Từ việc đăng ký này, thư ký sẽ báo lên chủ tọa phiên tòa, phiên họp để được đồng ý cho ghi âm. Nếu cần thiết thì trong biên bản phiên tòa, phiên họp cần có nội dung về việc “Ai đăng ký ghi âm phiên tòa”.
Cân bằng và hài hòa lợi ích chung
Dự thảo lần thứ năm Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) vừa được thảo luận tại Quốc hội. Khoản 4 Điều 141 dự thảo quy định: Việc ghi âm lời nói, ghi hình ảnh của bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp.
Việc bảo đảm sự tôn nghiêm của pháp đình, hoạt động tố tụng được diễn ra hiệu quả, thông suốt là điều quan trọng. Cùng với đó là quyền của cá nhân đối với hình ảnh, lời nói là quyền được pháp luật bảo vệ. Song việc đảm bảo tiếp cận thông tin để xã hội giám sát và phản biện cũng góp phần thúc đẩy xã hội phát triển.
Cân bằng và hài hòa lợi ích giữa những đối tượng chịu sự tác động khác nhau trong một văn bản quy phạm pháp luật là điều khó, bởi bên nào cũng muốn có được những phần lợi thế.
ThS LƯU ĐỨC QUANG, giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Thông báo khi ghi âm, xin phép khi ghi hình
Việc ghi hình, ghi âm tại tòa án phải phù hợp với định hướng xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân mà Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã đặt ra.
Theo tôi, khoản 4 Điều 141 dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) có thể sửa theo hướng: “Việc ghi âm lời nói của người tham gia tố tụng phải được thông báo tại phiên tòa, phiên họp. Việc ghi hình ảnh của người tham gia tố tụng phải được sự đồng ý của họ và chủ tọa phiên tòa, phiên họp”. Để triển khai thực hiện quy định này một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao, cần phân biệt như sau:
Về thủ tục xin phép đối với việc ghi hình: Trước khi khai mạc phiên tòa hoặc phiên họp (ít nhất là 24 giờ), cơ quan báo chí, người tham gia tố tụng phải gửi đề nghị bằng văn bản cho chủ tọa phiên tòa hoặc phiên họp. Sau khi khai mạc, tòa thông báo và công khai hỏi ý kiến những người liên quan. Nếu họ không đồng ý thì tòa không cho phép ghi hình. Nếu họ đồng ý thì tòa có thể quyết định cho phép hoặc không cho phép ghi hình kèm theo lý do chính đáng.
Về thủ tục thông báo đối với việc ghi âm: Trước khi khai mạc (ít nhất 24 giờ), cơ quan báo chí hoặc người tham gia tố tụng phải gửi thông báo ghi âm tại phiên tòa hoặc phiên họp bằng văn bản cho chủ tọa. Sau khi khai mạc, chủ tọa thông báo về việc ghi âm cho những người liên quan biết.
ThS NGUYỄN ĐỨC HIẾU, Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM):
Hướng dẫn rõ cách thức ghi âm, ghi hình
Hiện nay, nhiều nước không ủng hộ việc ghi âm, ghi hình trong các phiên tòa, với hai lý do:
Một là để làm tôn nghiêm hoạt động xét xử và nơi xét xử: Tòa án là cơ quan nhân danh nhà nước, một số nước còn coi tòa án nhân danh thánh thần để đưa ra các phán quyết. Vì vậy, cơ quan này không chỉ là đại diện cho nhà nước mà còn đại diện cho sự uy nghiêm của các bậc bề trên. Từ đó, bất cứ hoạt động nào có thể xâm phạm tới sự tôn nghiêm của tòa án đều không được ủng hộ.
Hai là để đảm bảo quyền riêng tư. Đây là một quyền hết sức thiêng liêng, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Trong hoạt động xét xử, nhiều thông tin cá nhân cũng như các thông tin nhạy cảm khác như địa chỉ, thu nhập, quan điểm, tôn giáo, tính dục… được phơi bày; có thể bị lan tỏa mất kiểm soát.
Ở Việt Nam, gần đây có nhiều ý kiến mong muốn Quốc hội quy định thoáng hơn cho việc ghi âm, ghi hình trong phiên tòa.
Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho việc được ghi âm, ghi hình phiên tòa hay phiên họp, cần có hướng dẫn rõ như việc xin phép được thực hiện cụ thể ra sao (bằng lời nói hay văn bản, trực tiếp hay gián tiếp…), thời hạn để trả lời đề nghị ghi âm, ghi hình là bao lâu, số lần được ghi âm, ghi hình là mấy lần, những thông tin nào được ghi, thông tin nào không được ghi, việc bảo quản các đoạn ghi âm, ghi hình ra sao…
Quy định chặt chẽ, rõ ràng thì mới có thể vừa đảm bảo pháp chế XHCN, tăng tính khả thi hoạt động ghi âm ghi hình, lại vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng.