Giám đốc Công ty Luật TNHH Devinci Pacific, ông Nguyễn Đức Hiếu đã bình luận về tình huống khẩn cấp hạn hán ở Cà Mau, được đăng trên Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là chuyên gia uy tín lâu năm với trình độ cao trong lĩnh vực pháp lý. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn lại toàn bộ bài báo.
Nguồn: Song Mai. Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (số đăng ngày 16/4/2024). Tại sao Cà Mau phải công bố tình huống khẩn cấp hạn hán, ý nghĩa pháp lý ra sao?
———————————————————————-
Theo chuyên gia, việc công bố tình huống khẩn cấp nhằm thông tin cho người dân về diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai…
Như PLO đã đưa tin, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đã có quyết định công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp 2 trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh.
Đến nay, hạn hán đã gây thiệt hại nặng nề trên nhiều mặt về đời sống kinh tế xã hội và hạ tầng giao thông với 601 điểm sụt lún, sạt lở, nằm trên 132 tuyến kênh, với tổng chiều dài là 15.890 m.
Vậy ý nghĩa pháp lý khi một địa phương công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai là gì?
Theo Ths Lưu Đức Quang, giảng viên Trường ĐH Kinh tế – Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), khoản 1 Điều 12 Nghị định 66/2021 hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai 2013 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều 2020, quy định:
Tình huống khẩn cấp về thiên tai là các tình huống thiên tai đã hoặc đang xảy ra đã gây ảnh hưởng hoặc có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khỏe, nhà ở của nhiều người dân và các công trình đê điều, hồ đập, công trình phòng chống thiên tai, công trình hạ tầng quan trọng… cần tổ chức triển khai ngay các biện pháp ứng phó khẩn cấp để kịp thời ngăn chặn và khắc phục nhanh hậu quả, được công bố bằng quyết định của người có thẩm quyền.
Thông qua quyết định công bố, nhà chức trách có thể thông tin cho người dân về diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra; các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả.
Về thẩm quyền công bố tình huống khẩn cấp, ThS Nguyễn Đức Hiếu, Đại học Quốc tế – ĐHQG TP.HCM cho biết, căn cứ Khoản 3 Điều 12 Nghị định 66/2021 thì chủ tịch UBND tỉnh có thẩm quyền ra quyết định khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn cấp tỉnh quản lý. Bộ trưởng các bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với công trình, cơ sở hạ tầng thuộc phạm vi quản lý.
Trường hợp thiên tai vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục của địa phương, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm huy động các nguồn lực để ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Các biện pháp chính gồm: Huy động lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; nhanh chóng sơ tán, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm. Tổ chức việc tiếp nhận, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Cấp phát miễn phí lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu khác. Huy động mọi nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực từ Quỹ phòng, chống thiên tai để xử lý khẩn cấp sự cố.
Theo Ths Hiếu, công bố tình huống khẩn cấp cho phép thông tin về tình huống thiên tai được truyền đạt kịp thời và hiệu quả; đảm bảo tính minh bạch, công khai. Giúp người dân có thể hiểu tình hình hiện tại. Giúp chính quyền và các tổ chức liên quan đưa ra các biện pháp khắc phục ngay lập tức, bảo vệ người dân.
Công bố tình huống khẩn cấp giúp xác định nhu cầu cứu trợ của dân sinh. Qua việc công bố công khai, nguồn lực được triển khai một cách thuận lợi và hiệu quả nhằm đáp ứng nhanh chóng các nhu cầu cấp thiết như thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế và nhà ở tạm thời.
Công bố tình huống khẩn cấp còn giúp tập trung nguồn lực vào việc phục hồi sản xuất và khắc phục công trình phòng chống thiên tai. Giúp việc thu thập thông tin về thiệt hại và nhu cầu khắc phục, từ đó hỗ trợ việc huy động, phân bổ và triển khai nguồn lực tài chính.