(LSVN) – Theo Luật sư, nếu chỉ bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả nhưng không chủ động tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, bị cáo sẽ không được áp dụng quy định này để chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn
Ảnh minh họa.
Liên quan đến vụ án “chuyến bay giải cứu”, tính đến nay các bị cáo cùng gia đình đã nộp tiền khắc phục hậu quả khoảng 135 tỉ đồng và 1,85 triệu USD. Trong đó, nhóm bị cáo nhận hối lộ đã nộp lại gần 97 tỉ đồng. Trong đó, ngày 24/7, gia đình của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) đã nộp thêm 07 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án, nâng tổng số tiền khắc phục của bị cáo Kiên lên 42 tỉ đồng trên tổng số hơn 42,6 tỉ đồng mà Viện Kiểm sát cáo buộc bị cáo Kiên đã nhận hối lộ.
Đối với các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả, theo quy định pháp luật đây có được xem là căn cứ để giảm trách nhiệm hình sự? Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định của Bộ luật Hình sự, người nhận hối lộ từ 01 tỉ đồng trở lên, Tòa án có quyền áp dụng mức hình phạt là 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, có nhiều yếu tố quyết định đến mức hình phạt chứ không chỉ là yếu tố về số tiền chiếm đoạt, về tính chất của vụ án. Việc quyết định hình phạt phù hợp, phải xem xét đầy đủ cả các yếu tố về nhân thân và yếu tố hành vi.
Trong trường hợp người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã cơ bản bồi thường khắc phục được hậu quả, hậu quả của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được giảm bớt, có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo để tuyên một mức hình phạt phù hợp.
Hình phạt không chỉ là hình thức răn đe, trừng phạt đối với bị cáo mà còn là có mục đích cải tạo, giáo dục. Chỉ trong trường hợp hội đồng xét xử nhận định bị cáo không còn khả năng cải tạo giáo dục, việc xử lý không nghiêm khắc đối với bị cáo có thể không thể hiện được sự răn đe phòng ngừa chung cho xã hội, mới tuyên mức hình phạt cao nhất là tử hình.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, Điều 40, Bộ luật Hình sự quy định, tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.
Đồng thời, không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp như phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người đủ 75 tuổi trở lên; Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Như vậy, Bộ luật Hình sự quy định, trường hợp bị cáo đã bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản, nhận hối lộ” mà sau khi bị kết án bị cáo đã chủ động bồi thường khắc phục hậu quả 3/4 số tiền chiếm đoạt, đồng thời hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn sẽ được chuyển từ hình phạt tử hình sang tù chung thân.
“Nếu chỉ bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả 100% nhưng không có điều kiện thứ hai là chủ động tích cực phối hợp với cơ quan điều tra trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn, bị cáo sẽ không được áp dụng quy định này để chuyển sang hình phạt khác nhẹ hơn”, Luật sư cho hay.
TRẦN QUÝ
Đăng bình luận