Giám đốc Công ty Luật TNHH Devinci Pacific, ông Nguyễn Đức Hiếu đã bình luận về vấn đề hàng rong ở trường học được đăng trên Báo Phụ nữ TPHCM. Ông là chuyên gia uy tín lâu năm với trình độ cao trong lĩnh vực pháp lý. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn lại toàn bộ bài báo.
Nguồn: Vũ Quyền. Báo Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh (số đăng ngày 16/4/2024). Hàng rong “tấn công” trường học, vì sao khó xử lý?
———————————————————————-
Sau vụ hàng chục em học sinh nhập viện vì ngộ độc thực phẩm trước cổng trường ở Nha Trang mới đây, nhiều phụ huynh không khỏi lo ngại cho sức khỏe con em mình. Bởi thực trạng hàng rong bủa vây trường học đã có từ lâu, nhưng việc xử lý chẳng đi đến đâu.
Hàng rong bủa vây cổng trường
Hơn 16g, chuẩn bị tan học, trước cổng Trường THCS Ngô Chí Quốc (TP Thủ Đức), nhiều người bán hàng rong đã tụ tập về. Các mặt hàng được bày bán rất đa dạng như bánh mì, kem, kẹo kéo, cá viên chiên với đủ loại tương ớt, nước chấm đựng trong những chai lọ không nhãn mác… Hàng được bày trên xe, trên bàn, trên mâm để học sinh lựa chọn.
17g, trống trường vang lên, học sinh túa ra cổng, nhiều em tấp ngay vào những quầy hàng rong. Tại một bàn bày bán bánh kẹo, bánh tráng và các thứ đồ ăn rực rỡ sắc màu không nhãn mác, bao bì, các em xúm lại mua. Gần đó, những chiếc bánh mì nướng phô mai được xếp trên bàn không được che đậy dưới trời nắng và môi trường bụi bặm…
Học sinh tụ tập mua hàng rong trước cổng Trường THCS Ngô Chí Quốc (TP Thủ Đức) |
Nhìn học sinh háo hức với các món hàng rong, anh Khương – một phụ huynh đang đứng chờ con – lo lắng: “Nhiều vụ học sinh bị ngộ độc do ăn uống hàng rong ở cổng trường rồi. Những thứ đồ ăn, thức uống này rất khó kiểm soát chất lượng, nguồn gốc, nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị ngộ độc. Không chỉ vậy, việc ăn uống những thứ độc hại tích tụ lâu ngày còn ảnh hưởng sức khỏe của trẻ về lâu dài. Tôi vẫn dặn các con tuyệt đối không ăn, uống những thứ bán trôi nổi ở cổng trường. Như vậy sẽ giúp hạn chế những rủi ro”.
Tại các trường tiểu học Hiệp Bình Chánh, Bình Triệu, Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), Đống Đa, Hồng Hà (quận Bình Thạnh) hàng rong cũng xuất hiện nhan nhản ở khu vực cổng trường vào giờ tan học và trước giờ vào lớp. Những xe hàng rong với đủ loại thực phẩm bắt mắt, sặc sỡ phẩm màu giăng khắp cổng trường luôn thu hút rất đông các học sinh tiểu học tụ tập mua ăn.
Có con đang học tại Trường tiểu học Huỳnh Văn Chính (quận Tân Phú), chị Nguyễn Thị Huyền Trang cho biết, hàng rong thường chầu chực trước cổng trường vào buổi chiều sau giờ học. Nhiều phụ huynh đi làm về trễ, không kịp đón con, nên con em có thời gian tụ tập ăn uống hàng rong. “Nhiều sản phẩm bán ở cổng trường có chất lượng rất kém, không đảm bảo vệ sinh. Tôi không cho con ăn, trường hợp con muốn mua thì tôi cũng phải xem xét khá kỹ” – chị Trang nói.
Lực lượng mỏng, quy định lỏng lẻo
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức – thừa nhận, thời gian qua, trên địa bàn có tình trạng buôn bán đồ ăn, thức uống tại cổng các trường học, gây ảnh hưởng đến giao thông và có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với học sinh.
Phường đã giao bộ phận trật tự đô thị phối hợp cán bộ kinh tế đi kiểm tra xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm, lấn chiếm lòng lề đường kinh doanh hoặc kinh doanh hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Công an phường cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý, đảm bảo an ninh trật tự tại các cổng trường. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phối hợp với nhà trường tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho học sinh, trong đó lồng ghép nội dung “không mua bán, sử dụng hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc tại cổng trường”.
Hàng rong vẫn tập trung trước cổng Trường tiểu học Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức) dù có bảng cấm tụ tập, mua bán |
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, do lực lượng của phường cùng lúc phải đảm bảo trật tự đô thị tại nhiều nơi nên một số trường hợp tiếp tục tái phạm khi tổ công tác dời đi. Để xử lý tình trạng này, phường đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra xử lý, đồng thời lập chốt xử lý tại các cổng trường vào giờ phụ huynh đưa, đón học sinh.
Thực tế cho thấy, vấn đề hàng quán bủa vây trường học diễn ra khắp nơi trên cả nước, từ nhiều năm qua. Mặc dù các chuyên gia, cơ quan chức năng đã cảnh báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm, và cũng có nhiều vụ học sinh bị ngộ độc thực phẩm do ăn, uống hàng rong xung quanh trường, nhưng việc xử lý vẫn không đạt hiệu quả, tình trạng ấy vẫn tái diễn.
Thạc sĩ Nguyễn Đức Hiếu – giảng viên Trường đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) – cho rằng, hiện nay ở nước ta, pháp luật đang khá “lỏng” cho các hoạt động kinh doanh hè phố, đặc biệt là việc bán hàng trên các xe đẩy, xe kéo, bên ô dù cạnh trường học. Căn cứ Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp và Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định về cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, có thể thấy những người bán hàng rong không phải đăng ký kinh doanh cũng không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Việc “không quản lý chặt” này có thể gây ra một số hệ lụy như gây cản trở giao thông, mất trật tự công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trái phép hoặc thậm chí tội phạm xảy ra.
Trong khi đó, một số nước trên thế giới lại quy định rất nghiêm ngặt đối với việc bán hàng rong. Luật An toàn thực phẩm năm 1990 (Food Safety Act 1990) tại Anh áp dụng cho tất cả các cửa hàng nhỏ và doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. Các quy định của họ rất khắt khe, không có khoảng trống pháp lý cho các loại hình bán hàng rong, đặc biệt ở những nơi nhạy cảm như trước trường học.
Bởi đây là nơi mà các cháu nhỏ còn non nớt, thiếu nhận thức cũng như chưa biết tự bảo vệ mình trước những sản phẩm độc hại, không an toàn, không vệ sinh.
Tại Singapore, quy định còn chặt chẽ hơn với các văn bản rất chi tiết về sức khỏe môi trường cộng đồng (Environmental public health regulations), đạo luật bán thực phẩm (Sale of food act), giấy phép cửa hàng thực phẩm (Food shop licence)…
Theo đó, mọi chủ thể hoạt động buôn bán và cung cấp thực phẩm đều phải đạt được các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, được hỗ trợ đào tạo, bị kiểm tra, giám sát và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn nếu như không tuân thủ.
“So sánh với các nước trên có thể thấy, sự không đồng bộ và chặt chẽ của các quy định của Việt Nam trong việc quản lý các chủ thể kinh doanh nhỏ lẻ, có thể để lại hậu quả lớn cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách là Nhà nước cần quy định chặt chẽ hơn đối với các hoạt động buôn bán hoặc cung cấp thực phẩm cho xã hội nói chung, đặc biệt đối với các đối tượng là các cháu học sinh nói riêng.
Như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý để các cơ quan chức năng có thể thực hiện các hoạt động quản lý và cũng nhằm tăng cường nhận thức của những người bán hàng rong để họ có thể vừa kinh doanh, nhưng cũng có trách nhiệm với xã hội, đặc biệt là với các thế hệ mầm non của đất nước” – ông Nguyễn Đức Hiếu nhấn mạnh.