Ngày 04/7/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã đề nghị truy tố đối với Phạm Thị Tuyết Nhung (giám đốc Công ty Angel Lina) cùng bảy đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mất năng lực hành vi dân sự vẫn làm giám đốc
Trong vụ này, bị can Trần Thị Mỹ Hiền đang bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa do “trước, trong khi thực hiện hành vi vi phạm, bệnh ở giai đoạn thuyên giảm… nhưng tại thời điểm giám định bệnh ở giai đoạn cấp tính, Hiện mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
Từ ngày 11-7-2016, TAND quận 1 đã xác định Hiền bị mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, năm 2017, Hiền đã mua toàn bộ cổ phần Công ty Đất Vàng Hoàng Gia từ Nhung và đứng tên giám đốc công ty này. Tiếp đó, Hiền thành lập Công ty Hoàng Kim Land, thuê người đứng tên.
Hiền tìm mua những thửa đất có mục đích sử dụng đất khác nhau và thỏa thuận mua bán, thanh toán một phần tiền, có lập vi bằng. Hiền đã thuê kiến trúc sư thiết kế các thửa đất thành dự án đất ở đô thị có tỉ lệ bản vẽ 1/500, có cơ sở hạ tầng điện, nước, thuê người quảng cáo thu tiền rồi chiếm đoạt.
Luật có cho phép một người mất năng lực hành vi dân sự đứng ra thành lập và điều hành doanh nghiệp (DN)? Vì sao Hiền được tòa xác định bị tâm thần từ năm 2016 nhưng đến năm 2017 vẫn có thể đứng ra thành lập công ty, vẽ 18 dự án “ma” rồi chiếm đoạt hơn 815 tỉ đồng của vài trăm người?
Kẽ hở của luật
ThS Vũ Anh Sao, Phó Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), cho biết: Trường hợp người tâm thần được tòa tuyên mất năng lực hành vi dân sự thì không thể làm giám đốc hay lập công ty nhờ người khác làm giám đốc. Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 17 Luật DN 2020 thì người mất năng lực hành vi dân sự thuộc đối tượng không được thành lập và quản lý DN.
Tuy nhiên, như phân tích của luật sư Lê Trung Phát, Đoàn Luật sư TP.HCM, thì theo Luật DN 2020, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký DN. Do cơ quan này không có yêu cầu bắt buộc về việc những người này phải xuất trình giấy khám sức khỏe tâm thần thì mới xét duyệt họ có đủ điều kiện để thành lập hoặc tham gia quản lý DN hay không nên thực tế xảy ra nhiều trường hợp như vụ án này.
Bổ sung, ThS Nguyễn Đức Hiếu, giảng viên bộ môn luật Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM), phân tích: Người bệnh tâm thần bị mất năng lực hành vi dân sự khi và chỉ khi có quyết định của tòa án theo Điều 22 BLDS. Như vậy, người bị bệnh tâm thần nhưng chưa được tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự vẫn có thể thành lập DN. Đây cũng là một kẽ hở của pháp luật vì nếu người mắc bệnh tâm thần nhưng thành lập DN sau đó vi phạm pháp luật thì có thể không phải chịu trách nhiệm.
Người bị bệnh tâm thần nhưng chưa được tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự vẫn có thể thành lập DN.
Nếu nghi ngờ, cần thuê cơ quan giám định độc lập
Bên cạnh lý do như nêu trên thì thực tế cho thấy vẫn còn những kẽ hở khiến một người có bệnh vẫn có thể thành lập công ty hoặc không bệnh nhưng lại có giấy chứng nhận tâm thần.
ThS Vũ Anh Sao, Phó Trưởng khoa Luật Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM (UEF), phân tích: Luật Giám định tư pháp 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Thông tư 23/2019 của Bộ Y tế đã quy định quy trình thực hiện giám định tâm thần rất rõ ràng.
Tuy nhiên, vẫn còn khó khăn trong quá trình thực hiện giám định như việc hồ sơ của đối tượng giám định tâm thần thường không được cung cấp đầy đủ, tạo ra bất cập trong quá trình giám định. Hiện nay, việc tiếp cận các tài liệu chuyên môn về các biểu hiện, triệu chứng của bệnh tâm thần tương đối dễ dàng nên còn tình trạng giả bệnh tâm thần, gây khó khăn cho giám định viên.
Do đó, theo ThS Anh Sao, cần quy trách nhiệm pháp lý đối với người giám định cố tình giám định sai làm ảnh hưởng đến quá trình điều tra, xét xử. Người làm giám định cần bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện y đức. Hoặc có cơ chế thuê chuyên gia nước ngoài, cơ quan giám định độc lập để giám định lại trong một số trường hợp có nghi ngờ.
Lập hồ sơ người bị tâm thần vào cơ sở dữ liệu về dân cư
Giải pháp để có thể phát hiện tình trạng tâm thần của một người khi họ tham gia vào các giao dịch pháp lý là cần lập hồ sơ người bị bệnh tâm thần vào cơ sở dữ liệu về dân cư.
Cần lưu ý vấn đề có thể phát sinh khi quản lý người bị bệnh tâm thần là quyền con người của họ có thể bị ảnh hưởng. Các cơ quan cần phối hợp với TAND Tối cao trong việc đưa ra một số quyết định ảnh hưởng đến họ. Ví dụ, khi lập hồ sơ và đưa vào cơ sở dữ liệu thì cần tòa án phê chuẩn mới được thực hiện, từ đó hạn chế những sai sót của các cơ quan hành chính và cũng đảm bảo quyền con người một cách cao nhất.
ThS Nguyễn Đức Hiếu, Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP.HCM
Đăng bình luận