Giám đốc Công ty Luật TNHH Devinci Pacific, ông Nguyễn Đức Hiếu đã bình luận về vấn đề công nhận giao dịch vay mượn ngoại tệ, được đăng trên Báo điện tử pháp luật TPHCM. Ông là chuyên gia uy tín lâu năm với trình độ cao trong lĩnh vực pháp lý. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn lại toàn bộ bài báo.
Source: Huỳnh Hải – Song Mai. Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh (số đăng ngày 28/11/2023). Tòa huyện công nhận giao dịch vay mượn ngoại tệ.
———————————————————————-
Ngày 27-11, một nguồn tin cho PV biết Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đang xác minh tài sản để thi hành Bản án dân sự số 18 ngày 11-9-2023 về tranh chấp hợp đồng vay và đòi tài sản của TAND huyện Vạn Ninh.
Tòa công nhận khoản vay 11.500 USD
Theo Bản án số 18, năm 2016, bà VTDD có vay của bà LTH (cùng ngụ huyện Vạn Ninh) 40 chỉ vàng y 96%. Đến năm 2018, bà D tiếp tục vay 11.500 USD và năm 2019 vay thêm 485 triệu đồng của bà H.
Đến ngày 25-4, bà H viết giấy xác nhận nợ nội dung bà D đã vay của mình tổng số nợ như nêu trên. Đây là khoản nợ riêng của bà D, không liên quan đến chồng bà D.
Bà D đã ký vào giấy xác nhận nợ; hai bên chốt ngày 13-5 bà D sẽ thanh toán toàn bộ nợ. Tuy nhiên, đến hẹn bà D không trả mà trốn tránh nên bà H kiện đòi nợ.
Bà D thừa nhận số nợ nhưng xin trả mỗi tháng 3 triệu đồng cho đến khi hết. Tuy nhiên, đề nghị này không được bà H đồng ý.
Từ những nhận định trên, HĐXX chấp nhận yêu cầu của bà H, buộc bà D trả một lần toàn bộ số nợ gồm 40 chỉ vàng y 96%, 11.500 USD và 485 triệu đồng.
Bản án cũng quy định đối với số tiền 485 triệu đồng, kể từ khi có đơn yêu cầu THA của người được THA, nếu người THA không thi hành thì phải chịu khoản tiền lãi chậm THA theo quy định của BLDS.
Về án phí, HĐXX xác định tại thời điểm xét xử, giá vàng y là 5,36 triệu đồng/chỉ, giá USD là 24.070 đồng/USD. Do đó, bà D phải chịu án phí sơ thẩm theo quy định đối với số nợ là 976,2 triệu đồng. Số tiền án phí bà D phải chịu là hơn 41,2 triệu đồng.
Giao dịch ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam là vô hiệu
Bình luận về vụ án, ThS Nguyễn Đức Hiếu, ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM, phân tích: Theo Điều 13 Pháp lệnh số 06/2013/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung Điều 22 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 thì trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Từ đó, hợp đồng cho vay tiền bằng USD là vi phạm quy định của pháp luật.
Điều 122 BLDS quy định: Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp bộ luật này có quy định khác.
Điều 117 BLDS quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây: chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp; chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội…
Căn cứ Điều 123 BLDS, giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Có thể thấy giao dịch cho vay tiền bằng USD đã vi phạm điều cấm của luật nên tòa đáng ra cần tuyên vô hiệu.
Cơ quan THADS kiến nghị xem xét lại bản án nếu có sai phạm
Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 23 Luật THADS và khoản 2 Điều 331 BLTTDS, trong quá trình tổ chức THA thì ở bất kỳ giai đoạn nào, nếu phát hiện bản án có vi phạm, sai lầm trong việc áp dụng pháp luật ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự thì cơ quan THA đều có trách nhiệm kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Những người có thẩm quyền kháng nghị có trách nhiệm trả lời kết quả giải quyết cho cơ quan THA.
Đồng thời, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 48 Luật THADS thì việc THA sẽ được hoãn trong thời gian chờ cơ quan có thẩm quyền trả lời kiến nghị của cơ quan THADS.
ThS HỒ QUÂN CHÍNH, Trưởng bộ môn đào tạo các chức danh THADS tại Cơ sở TP.HCM của Học viện Tư pháp.
Post a Comments