Giám đốc Công ty Luật TNHH Devinci Pacific, ông Nguyễn Đức Hiếu đã bình luận về Hợp đồng tiền hôn nhân, được đăng trên Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh. Ông là chuyên gia uy tín lâu năm với trình độ cao trong lĩnh vực pháp lý. Sau đây, chúng tôi xin trích dẫn lại toàn bộ bài báo.
Nguồn: Song Mai. Báo điện tử Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (số đăng ngày 01/5/2024). Hợp đồng tiền hôn nhân và những điều cần biết.
———————————————————————-
Theo chuyên gia, hiện nay tại Việt Nam chưa có quy định cụ thể về hợp đồng tiền hôn nhân; nhưng có thể hiểu là một thỏa thuận giữa nam và nữ có tính ràng buộc pháp lý khi ký kết.
Hiện nay, không chỉ ở nước ngoài mà tại Việt Nam, nhiều cặp đôi trước khi kết hôn sẽ ký một bản cam kết, thỏa thuận trước hôn nhân hay còn gọi là hợp đồng tiền hôn nhân.
Hợp đồng này sẽ quy định các vấn đề như trách nhiệm đóng góp cho gia đình, nuôi dạy con cái, thực hiện công việc nhà… Hợp đồng dựa trên nguyên tắc tự thỏa thuận giữa hai bên trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân.
Vậy hợp đồng tiền hôn nhân tại Việt Nam được hiểu như thế nào và có được pháp luật Việt Nam công nhận?
Trao đổi về vấn đề này, ThS Nguyễn Đức Hiếu cho biết pháp luật Việt Nam hiện không có quy định cụ thể về hợp đồng tiền hôn nhân.
Theo Điều 28, Điều 47 của Luật Hôn nhân và gia đình, vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.
Do đó, có thể hiểu đây là một thỏa thuận bằng văn bản giữa nam và nữ liên quan đến các vấn đề pháp lý như phân chia tài sản chung, tài sản riêng; tài sản trước, trong và sau thời kỳ hôn nhân và có tính ràng buộc pháp lý giữa các bên khi ký kết.
Hiện nay pháp luật Việt Nam chỉ chấp nhận thỏa thuận về việc xác định tài sản của vợ chồng và chế độ tài sản của vợ chồng trước và trong thời kỳ hôn nhân. Đối với các vấn đề như quan hệ vợ chồng và các vấn đề khác liên quan đến quan hệ hôn nhân có thể khó để được thỏa thuận và đưa vào hợp đồng.
Để hợp đồng tiền hôn nhân có hiệu lực cần tuân theo các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự như sau: Hợp đồng phải được xác lập trước khi đăng ký kết hôn; chủ thể giao kết hợp đồng cần năng lực pháp luật và hành vi dân sự phù hợp và phải là cá nhân; giao dịch hoàn toàn dựa trên ý muốn tự nguyện của các bên tham gia.
Bên cạnh đó, phải có đầy đủ các điều khoản cơ bản theo quy định tại Điều 48 Luật Hôn nhân và gia đình và Điều 15 Nghị định 126/2014 quy định chi tiết một số điều biện pháp thi hành Luật Hôn nhân gia đình, gồm: Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản; các bên có quyền thỏa thuận những gì mà pháp luật không cấm.
Ths Hiếu cũng phân tích, hợp đồng tiền hôn nhân có những ưu điểm khi đảm bảo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi tài chính hợp pháp của cả hai bên. Cho phép vợ chồng có sự tự chủ về tài chính trong hoạt động kinh doanh, tránh những rủi ro có thể ảnh hưởng đến tài sản chung.
Sự thỏa thuận trong hợp đồng còn mang ý nghĩa đối với bên thứ ba và những người liên quan đến chế độ tài sản khi vợ hoặc chồng tham gia vào giao dịch dân sự; đóng vai trò là một căn cứ quan trọng để tòa án có thể giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản khi vợ chồng ly hôn.
Bên cạnh những ưu điểm, hợp đồng tiền hôn nhân có những nhược điểm như việc ký kết hợp đồng có thể tạo ra sự thiếu lòng tin trong mối quan hệ hôn nhân nếu một trong hai bên không cảm thấy thoải mái với việc xác định rõ quyền và nghĩa vụ tài chính.
Hợp đồng tiền hôn nhân có thể trở nên không linh hoạt khi tình hình tài chính của một trong hai bên thay đổi. Vấn pháp lý liên quan đến hợp đồng này đòi hỏi sự tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, chuẩn bị kỹ lưỡng để đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật và hiệu lực trong trường hợp xảy ra tranh chấp.
Ths Hiếu cho rằng, tại Việt Nam cũng cần đưa ra những quy định cụ thể về hợp đồng tiền hôn nhân. Quy định chi tiết về các yêu cầu đối như phạm vi và những nội dung có thể và không thể thỏa thuận trong hợp đồng, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy những mặt tích cực của hợp đồng tiền hôn nhân.
Quy định của một số quốc gia về hợp đồng tiền hôn nhân
Điều 1387 BLDS Pháp quy định: “Pháp luật chỉ điều chỉnh các quan hệ tài sản giữa vợ chồng khi mà giữa họ không có thỏa thuận đặc biệt liên quan đến vấn đề này, miễn là các thỏa thuận đó không trái với đạo đức hoặc các quy định sau đây của pháp luật”.
Quy định này đã gián tiếp cho phép các cặp vợ chồng trước ngưỡng cửa hôn nhân có quyền tự do đưa ra các quy tắc pháp lý áp dụng cho quan hệ tài sản giữa họ, hoặc là chế độ tài sản họ tự xây dựng nên bằng hợp đồng tiền hôn nhân hoặc bằng chế độ tài sản luật định.
Ở Mỹ thì quy định được đưa ra dựa trên luật mẫu có tên: Uniform Premarital Agreement Act (Luật mẫu về hợp đồng tiền hôn nhân). Quy định các nguyên tắc về việc phân chia tài sản quyền và nghĩa vụ đối với tài sản trước trong và sau thời kỳ hôn nhân vấn đề thừa kế đối với tài sản của vợ chồng và các vấn đề khác có liên quan, Tuy nhiên luật cũng không đề cập quá sâu về quan hệ vợ chồng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, và các vấn đề khác ngoài vấn đề về tài sản.